Ứng dụng IPv6 của Việt Nam tăng trưởng 200%, đứng thứ 3 ASEAN

01:48 PM 27/03/2018 Lượt xem: 372 In bài viết

Tại hội nghị tổng kết công tác thúc đẩy sử dụng IPv6 tại Việt Nam tổ chức ngày 16/1 tại Hà Nội, Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ TT&TT) cho biết, trong năm 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 ở nước ta đạt mức tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm 2017 là năm thứ 2 của giai đoạn chuyển đổi, công tác thúc đẩy triển khai IPv6 của Việt Nam được đánh giá đạt nhiều kết quả tốt.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã chuyển từ IPv4 sang IPv6. Tính đến tháng hết 12/2017, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10%, tương đương 4,3 triệu người sử dụng IPv6.

Trong năm 2017, hạ tầng IPv6 Việt Nam tiếp tục hoạt động ổn định. Tất cả các doanh nghiệp lớn đã kết nối với nhau qua IPv6 và mở rộng các kết nối IPv6 quốc tế.

Trung tâm Internet Việt Nam đánh giá, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt là nhờ việc triển khai của 3 doanh nghiệp là FPT Telecom, VNPT, FPT Online và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng internet quốc gia (VNIX)...

Tính đến cuối năm 2017, có 13/18 ISP kết nối IPv6 với tổng lưu lượng IPv6 trao đổi qua VNIX đạt hơn 18,27 GB. Mạng máy chủ tên miền DNS quốc gia hoạt động tốt với IPv6. Trong đó, 5/7 cụm máy chủ hoạt động song song IPv4/IPv6.

Hiện, lượng truy vấn IPv6 chiếm 25% tổng truy vấn tên miền tại Việt Nam, tăng 5,5% so với số liệu ở cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2017, một số nhà đăng ký tên miền đã triển khai hỗ trợ IPv6 trên hệ thống cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” cho khách hàng. Đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 4.000 website dưới tên miền “.vn” hoạt động với IPv6 (so với 100 website năm 2016). 27 website của các cơ quan Nhà nước, trong đó có 19 website có tên miền “gov.vn” đã hoạt động với IPv6...

Theo “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017”, hiện tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam là khoảng 10%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, thứ 5 ở châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với trung bình chung toàn cầu: Tính đến tháng 12/2017, mức độ ứng dụng IPv6 trên internet toàn cầu đạt khoảng 23% lưu lượng, tốc độ triển khai tăng gấp đôi sau mỗi năm.

Cùng với đó, mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ khối cơ quan Đảng, Nhà nước còn thấp. Mức độ cung cấp dịch vụ IPv6 của doanh nghiệp còn chưa đồng đều, đặc biệt là chưa triển khai IPv6 trên dịch vụ 4G LTE. Mức độ hỗ trợ và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 của doanh nghiệp còn chưa đồng đều. Đặc biệt, Việt Nam chưa triển khai IPv6 trên dịch vụ di động 4G LTE - đây là sự khác biệt với quốc tế, khi sử dụng IPv6 được coi là mặc định trong cung cấp dịch vụ 4G LTE.

Để bắt kịp với mức độ triển khai IPv6 trung bình toàn thế giới, trong thời gian tới, công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam cần đẩy mạnh hơn và toàn diện hơn.

Theo đó, năm 2018, Bộ TT&TT tập trung theo sát các nội dung “Kế hoạch hành động quốc gia về Ipv6”. Các đơn vị công nghệ thông tin của khối cơ quan Đảng, Nhà nước cần tăng cường triển khai IPv6 trong ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hệ thống máy tính kết nối internet... Tăng cường sử dụng ứng dụng phần mềm, dịch vụ nội dung số trên nền tảng IPv6, đồng thời triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE, trên tên miền quốc gia “.vn”...

(baochinhphu.vn)