Vì sao chỉ số chuyển đổi số khu vực miền Trung-Tây Nguyên thấp nhất cả nước?
09:50 AM 04/05/2023 Lượt xem: 482 In bài viếtThông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Các giải pháp nâng cao chỉ số an toàn thông tin trong DTI cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên" do Cục An toàn thông tin, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 27/4 tại TP Đà Nẵng.
Tại hội thảo này, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, giá trị DTI của khu vực miền Trung-Tây Nguyên thấp nhất trong 3 khu vực trên cả nước, chỉ 6/19 tỉnh đạt giá trị trên mức trung bình của khối tỉnh. Cụ thể, giá trị DTI năm 2021 trung bình khối tỉnh 0.401, miền Bắc đạt 0,4104, miền Nam đạt 0,4123, đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên chỉ đạt 0,3786.
Trước thực trạng trên, ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, hội thảo lần này nhằm đưa ra giải pháp phù hợp, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc nâng hạng giá trị DTI, nhằm mục tiêu trong tương lai, tất cả 19 địa phương ở miền Trung – Tây Nguyên cải thiện được giá trị này.
Là một trong những địa phương trong khu vực có chỉ số DTI đạt thấp, ông Phạm Hồng Quảng , Giám đốc Sở TT&TT Quảng Nam cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là do nhiều địa phương hiện nay đang bị vướng cơ chế, chính sách khiến họ không dám mạnh dạn sử dụng kinh phí đầu tư vào chuyển đổi số, dù có sẵn. Đơn cử như ở phần các đơn giá định mức đều giao 63 tỉnh thành tự làm, khiến mỗi nơi một định mức, không có mẫu chung nên cách làm không đồng nhất. Một lý do nữa, theo ông Quảng là hiện mức lương trả cho nhân lực CNTT còn thấp, nên muốn giữ được nhân sự trong ngành cũng rất khó, cần phải có sự điều chỉnh hợp lý về mức lương này.
Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên – Huế cũng cho hay, thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và Bộ TT&TT, công tác chuyển đổi số ở Huế đã tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống, xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc phát triển hạ tầng số, nhân lực số chất lượng chưa xứng tầm. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý và các hoạt động có liên quan quản lý trên nền tảng số để nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như năng lực chuyển đổi số còn nhiều hạn chế... Ông Nguyễn Dương Anh cho rằng, Bộ TT&TT cần có nhiều hình thức tập huấn, không chỉ lực lượng chuyên trách mà tập huấn cả nhân lực trong các ngành và thời gian tới tập trung đến người dân.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết, hiện Trung tâm công nghệ thông tin tại tỉnh này tự chủ 100%. Tuy nhiên, các phần mềm dùng chung, hạ tầng trước đây và hiện nay đang đặt tại trung tâm Công báo, nên việc quản trị vận hành, cấp kinh phí trong việc an toàn thông tin, chuyển đổi số gặp khó khăn.
“Lực lượng an toàn thông tin mạng ở tỉnh hiện nay khá mỏng, chúng tôi đang tự mày mò và xin hỗ trợ từ cục về trang thiết bị cũng như phần mềm. Chúng tôi mong Bộ TT&TT xem xét có phần mềm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc này”, ông Tuấn nói.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, ông Lê Công Phú cho biết, các ý kiến sẽ được tổng hợp và báo cáo lại Bộ TT&TT để tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.
(vietnamnet.vn)