Ưu tiên phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

08:35 AM 08/06/2023 Lượt xem: 976 In bài viết

Người dân tộc Mông ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện vùng biên Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa: Nguyễn Nam/TTXVN

Đây là ý kiến của nhiều cử tri tỉnh Quảng Ninh qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 6/6.

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng khó khăn

Ông Bùi Văn Lưu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Chẽ đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Các Bộ trưởng đã thực hiện đúng phương châm “hỏi nhanh, đáp ngắn” đúng trọng tâm, trọng điểm vấn đề được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm. Phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thu hút 69 đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn.

Để thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030), ông Bùi Văn Lưu đề xuất, cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc trên cơ sở khai thác hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nguồn huy động khác, sử dụng nguồn lực ngân sách hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp phát triển kinh tế gắn với phát huy văn hóa dân tộc bản địa, du lịch cộng đồng.

Đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Nhà nước cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các cây có giá trị kinh tế cao gắn với hình thành vùng chuyên canh, tập trung, có sản phẩm lợi thế. Cùng với đó là đẩy mạnh hỗ trợ người dân giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, rà soát việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân.

Nhà nước tiếp tục có chính sách phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh tập trung, có quy mô phù hợp gắn với thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP; ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả khẩu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản phù hợp điều kiện từng địa phương. Đồng thời, Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và phát triển hợp tác xã liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Chẽ, để các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả cao, đầu tiên phải tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chuyển từ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sang chủ động tích cực tham gia, chung sức thực hiện chương trình.

Sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục khu vực nông thôn, miền núi

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh Vũ Kiên Cường cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới cần đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ gắn với tạo việc làm theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường tại địa phương. Trong đó, tạo đột phá phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ của tỉnh, tận dụng hiệu quả cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Ông Vũ Kiên Cường đề nghị, có giải pháp nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tư nhân tham gia đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động ở nông thôn. Đặc biệt tiếp tục tổ chức sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục đảm bảo đồng bộ, chuẩn hóa cơ sở vật chất hiện đại, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo...

Quốc hội, Chính phủ cần có hướng dẫn về nguyên tắc lồng ghép nguồn lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo thuận lợi cho việc phân bổ vốn hằng năm và công tác phối hợp giữa các nguồn vốn để tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Chương trình.

Theo ông Vũ Kiên Cường, việc vận dụng bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa linh hoạt, dẫn đến tình trạng một số công trình đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả. Một số địa phương còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước, huy động sức dân ở các địa bàn vùng núi, vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn do vậy chưa đáp ứng với cơ cấu đầu tư theo quy định của Chương trình.

Tại Quảng Ninh, việc thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đến nay cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được cải thiện rõ rệt; các chính sách giảm nghèo thực hiện đồng bộ, cơ bản đã bao phủ số hộ nghèo, người nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, lần thứ XV. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Dự kiến cuối năm 2023, tỉnh duy trì cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương.

(baotintuc.vn)