Nông dân vùng cao trong xu thế chuyển đổi số

10:04 AM 16/10/2024 Lượt xem: 389 In bài viết

ng Hoàng Văn Dụng ở thôn Tát Dài, xã Địa Linh, huyện Ba Bể, Bắc Kạn livestream sản phẩm mật ong trên mạng xã hội

Từ hơn 3 năm qua, cách bán hàng bằng livetream trên mạng xã hội đã được ông Hoàng Văn Dụng (thôn Tát Dài, xã Địa Linh, huyện Ba Bể) thực hiện đều đặn mỗi ngày. Ông Dụng có nghề nuôi ong trong vườn tự nhiên, sản phẩm mật ong thơm ngon nhưng chỉ bày bán tại chợ xã và tại nhà nên tiêu thụ rất chậm. Thời điểm năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, mọi người hạn chế tiếp xúc trực tiếp nên việc bán hàng càng ế ẩm hơn.

Nhưng “cái khó ló cái khôn”, ông Dụng mạnh dạn tham gia mạng xã hội và bắt đầu tìm hiểu cách bán hàng qua mạng xã hội, bởi thời điểm này trào lưu bán hàng online đã được nhiều người thực hiện. Với một chiếc điện thoại thông minh, ông thường xuyên quay clip, chụp ảnh kèm thông tin sản phẩm để giới thiệu trên trang facebook cá nhân.

Ông Hoàng Văn Dụng cho biết: Ban đầu bạn bè trên mạng ít, lại còn bỡ ngỡ về công nghệ... nên hiệu quả chưa cao. Nhưng dần dần, vừa tự làm, vừa chịu khó theo dõi cách làm của những kênh bán hàng khác. Hình ảnh, âm thanh và cách đăng tải dần chỉn chu hơn, hấp dẫn hơn, thậm chí người đàn ông gần 50 tuổi này còn mạnh dạn livestream về quy trình sản xuất, thử mật và chốt đơn ngay trực tuyến... lượng mật ong bán ra cũng tăng vài lần so trước. 

“Trong quá trình để có sản phẩm ra thị trường, chúng tôi muốn học hỏi trên các kênh để bán hàng, ví dụ là livestream, quay hoặc phát trực tiếp làm ong để nhiều hộ vào xem tận nơi, mắt thấy, từ đó mọi người đều biết đến sản phẩm của mình, thì sẽ có nhiều người quan tâm hơn, mình sẽ bán được nhiều hàng hơn”.

Nông dân vùng cao Bắc Kạn không đi sau cuộc cách mạng công nghệ thông tin

Đến thời điểm này, hầu hết các hợp tác xã tại Bắc Kạn đều đã lập cho mình fanpage riêng trên zalo, facebook hay youtube để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hoạt động của đơn vị. Nhờ sự linh hoạt, sáng tạo, những nông dân này đã tìm được phương thức bán hàng hiệu quả hơn: Thay vì phụ thuộc hay mặc cả với thương lái để hàng hóa của mình đến tay người tiêu dùng thì nay nhờ ứng dụng công nghệ số, người dân đã tránh được tình trạng bị tư thương ép giá; sản phẩm cũng đến được gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Lèng Văn Lượng, thành viên HTX Hòa Thịnh, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn nói: “Bán hàng trên mạng rất dễ tiếp cận với khách hàng và nó có ưu điểm rất dễ dàng, kể cả khách hàng nước ngoài cũng rất quan tâm, đặc biệt là những sản phẩm tư vấn về sức khỏe như trà hoa vàng…đây là nền tảng để đơn vị phát triển hơn trong thời gian tới”

Chị Hoàng Thị Hương, dân tộc Tày, giám đốc HTX Hoàng Hương, huyện Ba Bể cho biết, ngoài các kênh bán hàng trên mạng xã hội, HTX của chị còn  mạnh dạn xây dựng website để quảng bá các sản phẩm đặc sản của quê hương gồm: tép chua, thịt chua, thịt lợn áp chảo…Các sản phẩm của HTX cũng đã có mặt trên các sàn giao dịch điện tử từ nhiều năm qua. Nhờ tận dụng các nền tảng số đã giúp các sản phẩm của HTX có mặt tại hơn 30 địa phương trong cả nước.

“Nhu cầu của khách bây giờ người ta mua các sản phẩm trên mạng rất nhiều, chúng tôi tận dụng những lợi thế đó để quảng bá những sản phẩm của mình. Thông qua các sàn thương mại, các trang web của HTX, số lượng đặt đơn được nhiều hơn, và được khách hàng của các tỉnh khác cũng đặt hàng và có nhiều người biết đến hơn”.

Hiện nay, Bắc Kạn đã có sóng 3G, 4G và internet băng rộng đến trung tâm xã và 100% các thôn bản, nên người dân có điều kiện hơn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Song song với đó, các lớp tập huấn kỹ năng chuyển đổi số, bán hàng qua mạng xã hội đã được hội nông dân, đoàn thanh niên và ngành thông tin truyền thông tổ chức, tập huấn đến tận các bản làng. Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, hiện địa phương này có trên 105 nghìn hộ sản xuất có tài khoản và gần 1.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; Tỷ lệ doanh nghiệp và HTX sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. 

Tuy nhiên, như ông Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Kạn đánh giá: Do địa hình vùng cao chia cắt, một số khu vực sóng viễn thông chưa phủ khắp, chưa có điện lưới quốc gia; mặt bằng chung về nhận thức, kỹ năng của người dân còn chưa đồng đều vẫn là những trở ngại nhất định với nông dân Bắc Kạn trong công cuộc chuyển đổi số. 

"Sở sẽ tổ chức hội thảo, mời những đơn vị cung cấp giải pháp phục vụ cho chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để từ đó họ thấy được tiện ích, hiệu quả của hệ thống kỹ thuật số. Với người nông dân thì trước hết sẽ giúp họ đưa được những sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hỗ trợ có thể là có tem truy xuất nguồn gốc với những sản phẩm nông sản của họ để tăng tính cạnh tranh trên thị trường...".

Việc người nông dân vùng cao từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm góp phần mang lại hiệu qủa tích cực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, với một địa phương kinh tế nông nghiệp là chủ lực, ứng dụng công nghệ số cũng cũng sẽ là n

(vov.vn)