Huyện Võ Nhai: Chuyển đổi số tạo dấu ấn mới cho sự phát triển vùng dân tộc thiểu số
09:16 AM 27/10/2022 Lượt xem: 309 In bài viếtTính đến nay, 100% các xã, thị trấn của huyện Võ Nhai ( tỉnh Thái Nguyên) đã có internet cáp quang; tỷ lệ các xóm có sóng 3G, 4G đạt trên 83%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt trên 90%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông mình đạt 85%… Những con số đã chứng minh sự phát triển, lan tỏa của phong trào chuyển đổi số (CĐS), đã góp phần đưa Võ Nhai ngày càng phát triển.
Hiệu quả từ chuyển đổi số
Từ gần một năm nay, khi đến UBND xã thực hiện thủ tục hành chính, chị Triệu Thị Liên và bà con Nhân dân trên địa bàn xã Sảng Mộc, đã không phải mang nhiều giấy tờ như trước. Bởi lẽ, thông tin cá nhân đã được tích hợp trên hệ thống, được cán bộ xã tra cứu và thực hiện nhanh chóng.
“Việc thu phí, lệ phí cũng thực hiện bằng biên lai điện tử, tạo thuận lợi cho người dân. Cán bộ hướng dẫn nhiệt tình; việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa rất nhanh chóng, thuận tiện”, chị Liên bày tỏ.
Chi cục thuế khu vực Đồng Hỷ - Võ Nhai dự Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc ( trực tuyến)
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho biết: Sau hơn một năm thí điểm CĐS, xây dựng xã “thông minh”, vùng cao Sảng Mộc đã có nhiều thay đổi tích cực. Cáp quang đã đến tận xóm, giờ đây người dân tại địa phương khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên có thể ngồi ở nhà để thực hiện những thủ tục hành chính, qua môi trường số hoặc được chăm sóc sức khỏe qua nền tảng khám bệnh từ xa. Trường học, Trạm y tế và hàng trăm hộ dân có thể tiếp cận những công cụ, dịch vụ tiện ích do CĐS mang lại…
Hiện, xã Sảng Mộc đã áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử vào tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xã có Cổng Thông tin điện tử, với đầy đủ các thông tin về hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong xã; tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách mới; kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Để đảm bảo hạ tầng thực hiện CĐS, trong năm 2021, 8 km đường truyền cáp quang đã được triển khai lắp đặt từ trụ sở UBND xã đến điểm trường Tiên Sơn. Toàn xã Sảng Mộc hiện có 6/10 xóm, được phủ sóng mạng 4G; cùng với đó, 5 loa truyền thanh thông minh được lắp đặt tại trụ sở UBND xã và điểm Trường Tiên Sơn.
Cán bộ hướng dẫn cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử cho người cao tuổi ở thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai.
Anh Nguyễn Văn Lâm, Trưởng xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc cho biết: Với hệ thống loa truyền thanh mới được lắp đặt, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, anh dễ dàng tiếp nhận văn bản chỉ đạo từ UBND xã và thông tin được ngay cho người dân qua hệ thống truyền thanh thông minh. Nhờ đó, Nhân dân xóm Bản Chương kịp thời nhận được thông tin tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, hệ thống loa phát thanh đã phát huy hiệu quả trong tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Triển khai mạnh mẽ
Đến nay, sau một năm triển khai, CĐS không còn là câu chuyện quá xa lạ với người dân vùng cao Võ Nhai. Có được kết quả đó, là nhờ chính quyền huyện đã triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động CĐS, như: Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến; áp dụng truy xuất nguồn gốc, minh bạch quy trình sản xuất trên một số sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nông dân làm quen với các sàn thương mại điện tử…
Đặc biệt, công tác số hóa trên địa bàn huyện Võ Nhai được triển khai rộng hơn, với các kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn.
Đoàn thanh niên xã Dân Tiến hướng dẫn cài đặt phần mềm VSSID cho người dân xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai.
Từ đầu năm đến nay, thực hiện CĐS, Võ Nhai đã triển khai nhiều phòng họp không giấy tờ. Tại mỗi kỳ họp, thay cho bộ tài liệu giấy được cung cấp, đại biểu tham dự đã sử dụng tài liệu điện tử trực tuyến qua một ứng dụng chạy trên nền web, dễ tiếp cận bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Bí thư Đảng ủy xã Cúc Đường Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: Tôi rất đồng tình với hình thức này, bởi không chỉ tiện lợi cho đại biểu mà còn tiết kiệm được thời gian họp bàn. Đặc biệt, mỗi tài liệu đi kèm với tính năng tương tác, người dự họp có thể ghi chú, đánh dấu đoạn văn bản, có thể đóng góp ý kiến trực tuyến vào từng văn bản, tài liệu thay vì chỉ có một cách phát biểu tại hội trường kỳ họp.
Bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Thời gian qua, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về CĐS tại các hội nghị, thông qua hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; duy trì chuyên mục về CĐS trên cổng thông tin điện tử, bản tin CĐS trên hệ thống truyền thanh.
Cùng với đó, huyện Võ Nhai tổ chức nhiều hội nghị triển khai các văn bản về CĐS; tập huấn về CĐS cho cán bộ phụ trách CNTT; triển khai kế hoạch phát triển chính quyền điện tử và đảm bảo an toàn thông tin mạng; triển khai đăng ký các nội dung CĐS theo từng giai đoạn tới các cơ quan, đơn vị để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến trình CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, từng đơn vị…
(baodantoc.vn)