Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số cho đồng bào dân tộc thiểu số
09:21 AM 20/11/2024 Lượt xem: 151 In bài viếtTrong những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng chung của toàn xã hội. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn, để đồng bào không đứng ngoài xu thế này.
Tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, dân số năm 2023 là 547.857 người, với 35 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 95%. Phần lớn đồng bào DTTS sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, trình độ lao động, kỹ thuật chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn.
Với mục đích làm cho người dân nhận thức rõ xu hướng tất yếu phải chuyển đổi số, việc chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, hình thành lên cộng đồng số. Tổ công nghệ số cộng đồng ra đời là cầu nối của chính quyền địa phương thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại làng bản, thôn xóm, khu phố…
Chia sẻ với phóng viên, bà Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Cao Bằng cho biết: “Tỉnh Cao Bằng luôn xác định tuyên truyền là nội dung rất quan trọng, vì thế trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ từ tỉnh, Trung ương, Sở TTTT đã triển khai khá nhiều hình thức tuyên truyền xuống các đơn vị địa phương, các ban ngành trong toàn tỉnh. Hệ thống phát thanh – truyền hình tăng cường kênh tiếng dân tộc để đáp ứng nhu cầu thông tin của bà con. Ngoài hệ thống báo, đài của tỉnh, chúng tôi còn chỉ đạo phát triển nội dung tuyên truyền trên fanpage mạng xã hội của các đơn vị sở, ngành, hiệp hội…”.
Cùng với đó, tỉnh đã phát huy vai trò của các tổ chức như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, và phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức tuyên truyền, làm sao đưa chuyển đổi số đến được với đông đảo người dân, kể cả ở ở vùng sâu, vùng xa. Thông qua hệ thống các tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số.
Hiện nay, cơ bản các xã vùng sâu, vùng xa đều đã phủ sóng điện thoại di động, có 3G, 4G. Tuy nhiên, do địa hình miền núi phức tạp, khe suối, khe sông rất nhiều, cho nên vẫn còn nhiều vùng chưa phủ sóng. Theo thống kê hiện còn 169 điểm là các thôn, xóm, điểm dân cư chưa được phủ sóng.
Hành trình chuyển đổi số trong phát triển kinh tế cho người dân vùng dân tộc thiểu số
Với mục đích làm cho người dân nhận thức rõ xu hướng tất yếu phải chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm, hình thành lên cộng đồng số, Tổ chuyển đổi số cộng đồng ra đời là cầu nối của chính quyền địa phương với người dân. Tổ thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại làng bản, thôn xóm, khu phố…
Để tuyên truyền đến người dân, từng thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng tham gia tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng giúp việc tuyên truyền hiệu quả đến bà con nhân dân. Nhiều cán bộ bản, xã, người có uy tín trở thành thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc đến với bà con vùng đồng bào dân tộc nhanh chóng, chính xác thông qua nhóm zalo bản, xã... Hiện nay các bản, tổ đều thành lập nhóm Zalo chung để trao đổi công việc, phát huy vai trò hoạt động của Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Anh Lê Minh Trí, Trưởng bản kiêm Tổ trưởng tổ Chuyển đổi số khu dân cư Cốc Phia, Pàn Kèng, Khuổi Khoang, Đông Sằng (Hòa An) cho biết: “Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ là cầu nối giữa chính quyền với người dân trong công cuộc chuyển đổi số. Trước đây muốn thông báo nội dung gì của bản tôi phải đến từng nhà báo người dân đi họp. Ứng dụng chuyển đổi số, tôi thành lập nhóm zalo công nghệ số cộng đồng mời người dân tham gia. Đến nay, nhóm Zalo này có trên 128 thành viên là các hộ dân trong bản. Thông qua nhóm này, tôi trao đổi, phổ biến thông tin thuận lợi. Bên cạnh đó, tôi hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng VnID, bảo hiểm xã hội điện tử VSSID... Bà con phấn khởi lắm, ai cũng bảo giờ công nghệ rồi cái gì cũng tiện".
Hiện nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng DTTS, miền núi nói riêng đã được Cao Bằng đầu tư mạnh mẽ và phủ sóng ở hầu hết các khu vực. Tuy nhiên, do nhận thức của bà con ở một số vùng DTTS và miền núi còn hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống vẫn còn khó khăn. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về ứng dụng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là hết sức cần thiết.
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Công tác tuyên truyền triển khai chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến với các hộ vùng DTTS đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, được quần chúng nhân dân triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào DTTS và vùng đồng bào dân tộc đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát... giúp người dân ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao kiến thức cho đồng bào DTTS để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự; góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Cao Bằng./
(dangcongsan.vn)